Dệt may: Thị trường Châu Phi rất tiềm năng, nhưng nhiều rủi ro

Châu Phi là thị trường đầy tiềm năng để xuất khẩu hàng dệt may, da giày vì có dư địa lớn, chi phí đầu tư thấp.

Châu Phi có quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu dùng cao trong khi sản xuất nội khối chưa phát triển. Vì vậy, đây được nhận định là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho hàng hoá của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, phụ kiện thời trang các loại…

Đối với ngành công nghiệp dệt may, tuy có nguồn bông nguyên liệu dồi dào nhưng nhiều nước châu Phi vẫn chưa tận dụng được lợi thế này để phát triển. Trong khi đó, dân số và thu nhập của người dân Châu Phi ngày càng tăng, gu thẩm mỹ và sở thích thời trang rất đa dạng, nhất là ở các nước như Nam Phi, Kenya, Nigeria. Lục địa này hứa hẹn sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ đầy triển vọng cho mặt hàng dệt may, da giày.

Việt Nam nằm trong 8 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới, tuy nhiên châu Phi vẫn chưa phải là thị trường xuất khẩu mặt hàng dệt may chính của Việt Nam khi giá trị xuất khẩu còn khá khiêm tốn. Mặc dù đang trên đà tăng trưởng đáng kể trong những năm qua, quan hệ thương mại trong lĩnh vực thời trang giữa Việt Nam và các nước khu vực Châu Phi chưa tương xứng với triển vọng. Chưa có nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng tại khu vực Châu Phi biết đến các sản phẩm thời trang đa dạng của Việt Na, dù mặt hàng dệt may, da giày của Việt Nam đang có lợi thế hơn so với nhiều nước Châu Á bởi giá thành không cao nhờ chi phí lao động thấp, trong khi tay nghề, kỹ năng may tốt, năng suất, chất lượng cao. Bởi vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng xuất khẩu hàng dệt may, da giày vào Châu Phi.

Không chỉ xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể xem xét đến khả năng đầu tư tại một số thị trường lớn tại khu vực Châu Phi để tận dụng lợi thế nguồn nhân công và nguyên liệu giá rẻ, sẵn có để sản xuất hàng dệt may phục vụ nhu cầu tại chỗ của nước sở tại và xuất khẩu.

Tuy tiềm năng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Châu Phi được đánh giá còn rất lớn, các chuyên gia cũng như đại diện thương vụ Việt Nam tại các quốc gia Châu Phi vẫn đưa ra khuyến cáo: Do tình trạng lừa đảo trong giao dịch đã từng xảy ra nên các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức tỉnh táo, thận trọng trong giao thương với đối tác Châu Phi. Đối tượng lừa đảo thường chấp nhận bất cứ giá chào hàng nhập khẩu nào từ doanh nghiệp Việt Nam hoặc đối tượng chào hàng xuất khẩu sang Việt Nam với giá thấp so với thị trường chung sau đó yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam trả 1 khoản phí/ đặt cọc rồi chiếm dụng…

Ngoài ra, các quốc gia châu Phi có nền văn hóa khác biệt nên trong hợp tác với doanh nghiệp Châu Phi, để tạo dựng uy tín, thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần quan tâm tới tập quán kinh doanh, thời gian, đặc biệt là ngôn ngữ để có thể điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp.