Chuyển đổi số: Thách thức với ngành dệt may

80% doanh nghiệp ngành dệt may tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa vì nguồn lực tài chính hạn chế, thiếu nhân lực chất lượng cao. Do đó, doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu để chuyển đổi số cho phù hợp với năng lực.

Cụm từ được nhắc nhiều trong ngành dệt may hiện nay là chuyển đổi số. Về vấn đề này, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đặt vấn đề: Tại sao cùng một đơn hàng nhưng có đơn vị làm với chi phí sản xuất thấp hơn nhưng vẫn mang lại giá trị gia tăng cao và ngược lại? Lý do nằm ở công nghệ sản xuất mà các doanh nghiệp đang sử dụng. Chuyển đổi số là điều bắt buộc đối với doanh nghiệp sản xuất, nhất là với các ngành sản xuất hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, với hầu hết doanh nghiệp dệt may Việt Nam, việc thay đổi công nghệ sản xuất lại không hề đơn giản.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số trong sản xuất, quản trị là xu hướng tất yếu, giúp doanh nghiệp dệt may nhanh chóng hồi phục sau dịch Covid-19, từng bước tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu không kịp thời chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ bị lạc hậu trong sản xuất, mất khả năng cạnh tranh, thậm chí có thể bị loại khỏi thị trường. Tuy nhiên, vấn đề vốn đầu tư cho công nghệ tiên tiến thực sự là “bài toán” khó.

Để thực hiện quá trình chuyển đổi số có vô vàn khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là nguồn vốn để đầu tư vào các giải pháp công nghệ số, triển khai, duy trì công nghệ bởi chi phí rất cao, và tính hiệu quả trong hoạt động sản xuất không thể hiện rõ ràng trong một thời gian ngắn. Bên cạnh đó là những khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, kinh doanh lâu đời; thiếu chuyên gia và thiếu nhân lực có chuyên môn cao để ứng dụng công nghệ số khiến khả năng thành công trong chuyển đổi số lại càng thấp hơn…

Để chuyển đổi số thành công, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng, ngay từ chính nội bộ lãnh đạo doanh nghiệp phải có tinh thần sẵn sàng thay đổi, tiên phong đổi mới, cải tiếng quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ, máy móc, trang thiết bị hiện đại, liên tục nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động.

Từ góc nhìn của người có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Trần Tịnh Minh Triết – Kỹ sư giải pháp phầm mềm, SAP Việt Nam, phân tích: Chuyển đổi số không phải là giải pháp cho mọi vấn đề. Mỗi mô hình kinh doanh khác nhau sẽ có một chu trình chuyển đổi số phù hợp. Theo đó, để lựa chọn mô hình kinh doanh B2B hay B2C, cần ưu tiên lấy khách hàng làm trọng; vận hành hệ thống kinh doanh một cách linh động và hiệu quả cao; thiết lập hệ thống chuỗi giá trị cung ứng nhanh chóng… Việt Nam hiện nằm ở đầu chuỗi sản xuất, vì vậy, nên ưu tiên tự động hóa. Ngoài ra, việc tìm hiểu thị hiếu khách hàng, xây dựng trải nghiệm khách hàng và tìm ra mô hình kinh doanh mới sẽ tạo ra dòng tiền mới phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ quá trình thực tế chuyển đổi số thực tế của doanh nghiệp, lãnh đạo Vinatex cho rằng, việc đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, đặc biệt là các kiến thức liên quan đến công nghệ thông tin, tự động hóa, thiết kế… cần được chú trọng.“Để nâng cao năng suất lao động, giảm đơn giá lao động trên một sản phẩm mà vẫn đảm bảo đáp ứng lương lao động cao thì cần thực hiện chuyển đổi số, đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý sản xuất hợp lý. Chuyển đổi số sẽ góp phần giúp ngành may giải quyết vấn đề thiếu lao động lâu nay, tạo cơ hội bứt phá, thoát ra khỏi tình trạng sử dụng nhiều lao động nhưng mức lương thấp, không ổn định” – lãnh đạo Vinatex nói.