Dệt may: Doanh nghiệp lo lắng dù đơn hàng đã tấp nập

Khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may dự kiến sẽ cán mốc 42-43,5 tỷ USD. Hiện tại, vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh nên dù nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý III/2022 nhưng vẫn chưa thể dự đoán được thị trường dệt may sau đó.

Theo tổng hợp từ Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2021 đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. Tuy nhiên, nếu xét về thị phần, ngành dệt may Việt Nam không có sự cải thiện. Trong số các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam năm 2021, chỉ có thị trường Hoa Kỳ có sự phục hồi bằng năm 2019 với khoảng 100 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc, các thị trường còn lại có khả năng phục hồi thấp. Đây là thách thức không nhỏ cho ngành trong năm 2022.

Đồng thời, doanh nghiệp dệt may trong nước phải đối mặt với hàng loạt thách thức như: Chi phí vận tải tăng cao, đạt gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ; thiếu hụt lao động tại khu vực phía Nam, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nếu tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng 42-43,5 tỷ USD.

Để đặt ra mục tiêu này, theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2022, dù  tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam được dự báo là vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường nhưng các thị trường xuất khẩu dệt may lớn như Hoa Kỳ, EU,…. đã mở cửa trở lại. Đồng thời, Việt Nam đã có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Ông Trương Văn Cẩm cho rằng, điểm sống còn với doanh nghiệp dệt may hiện nay là phải có đủ lực lượng lao động hoàn thành đơn hàng. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải chăm lo đời sống cho lao động, bảo đảm việc làm cùng các chế độ phúc lợi, đảm bảo kiểm soát được dịch COVID-19 tại doanh nghiệp.

Nhận định về mục tiêu trên, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, con số dự báo ngành dệt may Việt Nam nói chung có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm 2022 là hoàn toàn có cơ sở.

Bởi lẽ, thế giới dự báo tổng cầu ngành dệt may năm 2022 tăng khoảng 3%. Bên cạnh đó, việc giữ được sự liên tục vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu sau một sau thời gian dịch bệnh vừa qua là một lợi thế, biến Việt Nam trở thành một trong những điểm đến ưu tiên khi khách hàng lớn, đơn hàng lớn trên thế giới quay trở lại.

Tuy nhiên, ông Lê Tiến Trường cũng cho rằng “thách thức của ngành dệt may Việt Nam còn nhiều”. Ngay trong những tháng đầu năm đã diễn ra rất nhiều tín hiệu khác nhau của thị trường từ khủng hoảng chính trị Nga- Ukraine, giá dầu tăng cao, ngân hàng Trung ương châu Âu, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất… Những sức ép này sẽ khiến tổng cầu thế giới thay đổi rất nhanh.

“Có rất nhiều yếu tố có thể làm thay đổi hoạch định. Ví dụ, nếu dự báo giá dầu trên thế giới lên tới 140-150 USD/thùng thì kinh tế thế giới sẽ không có tăng trưởng. Còn nếu dự báo giá dầu ở mức 82-85 USD/thùng, thì có thể tăng trưởng 4,1% so với 5,7% của năm trước. Ở kịch bản này, Việt Nam đặt mục tiêu đạt hơn 43 tỷ USD xuất khẩu dệt may là tương đối khả thi”, ông Trường phân tích.

“Đây là những bất định mà chúng tôi vẫn đang theo dõi sát và tìm giải pháp xử lý phù hợp trong từng trường hợp. Mặc dù hiện nay đơn hàng ký đến tháng 6, nhiều đơn hàng hết cả năm nhưng vẫn chưa thể khẳng định năm nay doanh nghiệp sẽ hoàn thành tốt với mục tiêu đặt ra, bởi rủi ro và biến động thị trường diễn ra rất nhanh và phức tạp”, Chủ tịch Vinatex chia sẻ.

Về việc tiếp cận với những chính sách lớn của Chính phủ về giảm thuế và cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường cho biết: Hiện Quốc hội có Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Đây là Nghị quyết quan trọng về gói hỗ trợ cho ngành đông lao động như dệt may, tạo hành lang tốt, không khí tốt cho doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vẫn đang chờ hướng dẫn cách thức triển khai. Bởi mỗi doanh nghiệp sẽ có đặc thù riêng, ví dụ như đối với doanh nghiệp dệt may hiện nay, số dự án đầu tư mới không nhiều do dịch bệnh trong 2 năm qua, như vậy việc hỗ trợ cho đầu tư cho doanh nghiệp sẽ ít được tiếp cận. Doanh nghiệp dệt may sẽ tiếp cận các gói hỗ trợ cho vay vốn lưu động, hỗ trợ trả lương, lãi suất khoản vay ngắn hạn tốt hơn.